Giấc mơ
Dạ thưa cô Hai - cô thông cảm cho con hỏi một chút câu chuyện để con giải tỏa được nỗi lòng của con:
Câu 1.
Con không biết tại sao con nằm mơ, con đi vào chùa thì con chỉ ở nhà sau mà không thấy lên chánh điện.
Câu 2
Con cũng không hiểu sao mà đến đền thờ cũng không được vào mà chỉ ở ngoài ngó vào.
Câu 3.
Từ khi con qua úc này gần 30 năm - từ khi con biết ra tiền hết người này gạt đến người kia gạt. Có một người thầy ở VN nói là kiếp trước con ăn gạt quá nhiều nên kiếp này phải trả - nhưng khoảng 1 năm nay con thấy im rồi... Con xin cô một lần nữa giúp con giải thích. Cảm ơn cô hai rất nhiều.
15-09-2018
Trước khi cô Hai trả lời cô. Con xin phép được chia sẻ như thế này. Nếu có chỗ nào không đúng mong cô và cô hai chỉ thêm cho con.
--------------------------------
Theo hiểu biết của con thì có luật nhân quả, gieo gặt. Nhưng luật nhân quả và tiến trình đường đi của nó không hề là một luật đơn giản để một người trần mắt thịt ở cõi trần này có thể nắm được. Nó không đơn giản chỉ là kiếp này bị gạt tiền thì lý do là kiếp trước đi gạt tiền người khác. Cái quả đương nhiên là từ cái hạt mà ra. Nhưng suốt quá trình từ hạt thành quả nó phải cộng vào nhiều yếu tố khác. Cuối cùng nó mới thành ra cái quả. Và quả thì không bao giờ y chang như cái hạt được. Nó bao gồm cả vỏ, và cơm nữa, mà một hạt thì luôn cho ra một cây gồm nhiều quả... Cho nên nếu nói kiếp này ta bị gạt tiền vì lý do kiếp trước ta đi gạt tiền người khác- thì khác gì bảo kiếp này ta bị lừa lấy mất quả cam, lý do là kiếp trước ta đi lấy quả cam của người khác, nói thế e là hơi gượng ép.
Cái quả bị lừa mất tiền nó có thể đến từ nhiều lý do khác nhau.
Có thể lý do là ta đã không quý trọng thời gian của người khác chẳng hạn. VD: một người hẹn đối tác mà người đó không thể đến hoặc đến trễ làm đối tác bị mất hợp đồng vài trăm đồng chẳng hạn, đến kiếp sau cái nhân ấy mọc thành cái cây nó trổ ra rất nhiều quả và số tiền người đó bị mất cả gốc lẫn lãi sẽ là vài trăm ngàn đô chẳng hạn. Cái nhân ở đây là không tôn trọng tài sản thời gian của người khác, vì điều đó mà khiến cho người khác bị mất tiền. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác nữa dẫn đến kiếp này bị lừa mất tiền. Vd: bán hàng giá quá cao, lấy trộm ý tưởng của người khác, bóc lột sức lao động của người khác, dùng thủ đoạn tranh giành ghế với người khác, hãm hại hạ bệ ai đó, bôi nhọ ai đó, chia rẽ mối quan hệ của ai đó,.....và thu về được tiền, quyền, danh..... Cuối cùng đến khi sắp lâm chung cảm thấy đau khổ vì nhận ra tiền bạc chỉ là phù du, vô nghĩa không thể mang theo được. Cái tâm thức cuối ấy tạo nên con người ta trong kiếp này, góp phần tạo nên tâm thức cầu đạo mạnh mẽ của ta trong kiếp này. Khiến cho cán cân tâm và trí bị mất cân bằng. Mẹ diêu trì có nói ở người không tu khi cái tâm mở thì cái trí bị đi xuống. Cái trí bị đi xuống, khiến cho cô mới có thể dễ dàng bị lừa bởi người khác. Đây là nguyên nhân trực tiếp, còn nguyên nhân dẫn đến nguyên nhân đó thì nằm ở kiếp trước.
Việc cô nằm mơ hay cô đi đền điện mà lại chỉ vào được nhà sau hoặc chỉ đứng bên ngoài. Đó là muốn nói tâm cô đang rất muốn tìm đạo mà trí cô thì lại không đủ mạnh để làm chủ và dẫn tâm đi đúng nơi, mà lại để tâm dẫn đi vào nhà sau, hoặc đứng ngoài.
Sau nhiều lần tâm cô dẫn cô đi sai đường, đánh thức trí nổi lên. Cán cân tâm, trí được thăng bằng lại. Và cô cảm thấy "im" trong vòng một năm trở lại đây.
15-09-2018
- Không phải "trí không đủ mạnh" - mà là "nghiệp lực kéo lôi,” khiến ta chần chừ, nấn ná... Làm lỡ mất cơ duyên. Giấc mơ thấy ta không vào được chánh điện, mà chỉ loay hoay ở phía sau - là do “nghiệp lực trì kéo,” phần nữa cũng do ta thiếu dũng khí để “dấn thân”!
- Không phải vì “cái tâm mở rộng mà cái trí bị lu mờ”... Nói vậy hóa ra người tu tâm càng phát triển thì trí bị cùn nhụt hay sao! Khi “tâm mở” thì “huệ thông” - trí như tấm gương bụi bặm lu mờ được lau chùi, trở nên sạch sẽ, phong quang... Ta dễ bị lừa dối, gạt gẫm là bởi trái tim rộng mở, lòng thương khởi phát. Ở người tu thì “tin người như thể tin ta,” sự tác động bởi cái “lực từ ái” - làm cho ta sẵn sàng dang tay ôm cả nhân loại vào lòng, thế nên dễ bị người đời lợi dụng.
(Trích “Huyền Môn Lược Ký” - tập 01)
... “Tôi biết trách ai đây về sự tồn tại chẳng bình thường của mình, ở nơi chốn mà sự hiện hữu được phân định bằng ranh giới thấp cao của “hiện vật trưng bày”, của danh vị, tiền tài và bổng lộc!
Bạn bè bảo tôi: “cô không chịu vận động đấu tranh với cuộc sống, thì thiếu thốn, tật bệnh là lẽ đương nhiên.” Hoặc: “cô làm việc mà không thu lợi nhuận thì sống bằng gì?”
Các em tôi thì nói: “chị hai mà làm gì. Cứ như người ở trên mây. Làm chuyện gì cũng ba bảy hăm mốt ngày là dẹp!” Hoặc: “tôi bạc đầu đi từ nam chí bắc chưa thấy ai khờ như cô, bị hết người này đến người khác lừa và lợi dụng mà không có ý kiến gì!”
Đâu phải là tôi khờ khạo để bị người lợi dụng. Tôi biết, nhưng tôi không phản kháng đấy thôi! Thực ra tôi thương hại khi thấy họ chỉ biết mãn nguyện khi tranh đoạt của người khác làm của mình, mà không biết rằng có một thứ hạnh phúc cao hơn: đó là “hạnh phúc của sự ban phát, sự cho đi!”
Giáo lý của nhà phật có dạy rằng: “hãy bố thí bằng đôi tay dâng tặng.” Tôi mãn nguyện khi tôi dâng tặng người khác đôi bàn tay và tấm lòng của chính mình. Mặc dù trong những đêm dài trăn trở tôi vẫn còn thấy xót xa khi người ta đến tìm nơi ngưỡng cửa nhà mình - và rời đi với những thứ mà mình không hề có được cho chính bản thân.”
15-09-2018