- {{item.pageName}}
Phần II: Căn cứ vào bản mện của gia chủ - nên thờ ai và thờ như thế nào cho hợp cách?
Những nguyên tắc chung cần lưu ý khi chọn thờ Minh chủ trong nhà:
- Thờ Minh chủ phải theo bản mệnh của Gia chủ: Mệnh nam thờ nam (Ngũ Công Vương Phật, Quan Thánh Đế Quân, Ông Tử Vi, Quan Bình thánh tử…) - mệnh nữ thờ nữ (Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẹ Diêu Trì, Mẹ Quán Thế Âm…).
- Không nên thờ nhiều, thờ nhiều lộc thực, hương khói nhiều dễ quến tà khí, âm khí.
- “Phải cách mà không thờ bị phạt. Không phải cách mà thờ cũng bị phạt”!
- Nếu nam chủ qua đời, trong nhà chỉ còn nữ gia chủ mà tiếp tục thờ phần của các điển Ông người nam cũng không hợp cách.
- Bất cứ tôn giáo, Pháp đạo nào trên thế giới khi muốn an vị trang thờ thì chọn ngày Vía của Pháp đạo đó để an vị là dễ nhất.
- Nếu muốn thượng trang, an vị một trang thờ, bàn thờ - thì mọi công trình trong và ngoài nhà phải hoàn tất, mọi thứ trong khu vực an vị trang thờ, bàn thờ phải sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp… không để luộm thuộm, ô uế - sẽ làm cho thất tán khí thanh, lại làm tăng trưởng thêm trọc khí.
Cách sắp xếp, thượng trang các loại trang thờ:
1. Trang thờ Phật
- Đối với đại đa phần những người theo đạo Phật chỉ nên thờ Phật Bà Quán Thế Âm, không nên thờ Phật ông (ví dụ như Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Di Lặc).
- Thờ Phật ông, Phật Thích Ca hoặc Tam thế Phật phải có đủ Tam bảo (Phật, pháp, tăng). Pháp là có tụng Kinh, trì niệm hằng ngày. Tăng là trong nhà có người xuất gia hoặc tu tại gia. Có nghĩa là phải có người trường chay và tụng kinh mỗi ngày.
- Riêng Địa Tạng Vương Bồ Tát phải ở nơi đền chùa miếu mạo hay nghĩa trang - Không được thờ tại tư gia.
- Thờ Phật ông thì gia chủ nên ngoài 60 tuổi, phụ nữ phải mãn kinh, trong nhà không còn sinh hoạt vợ chồng. Vợ chồng trẻ thờ Phật Thích Ca sẽ không có con trai nối dõi (Đây là công pháp, không phải các Đấng hẹp hòi mà phạt).
- Tượng Phật Ông hoặc Phật Bà phải đặt ở chính giữa, phía sau lư hương. Nếu “cùng ban cùng bệ” - có nghĩa là “hàng Phật Thánh” hoặc hàng “Quan - Thần - Tướng”, ta chỉ cẩn để chung một lư hương ở ngay chính giữa.
- Tượng hoặc ảnh của Minh chủ cao nhất - cần phải đặt nơi “chính diện” của trang thờ.
- Trang thờ Phật (hoặc các Minh chủ khác) phải nằm chính giữa nhà, đối diện cửa cái hoặc cửa bản mệnh. “Cửa bản mệnh” - là cửa đi vào buồng trong, nếu có 02 cửa ở hai bên phòng khách, thì cửa bản mệnh là cửa phía bên phải
2. Thờ Mẹ Diêu Trì, thờ các Mẫu, các Thánh
- Giờ ngọ (11h15 đến 01h trưa) mùng 8, 18, 28 là ngày Vía Mẫu. Ta thắp hương hành Lễ, cúng hoa trái, chè xôi và 02 ly nước. Có tụng Kinh Mẫu hoặc không cũng được!
- Người thường không được thờ Mẹ Diêu Trì ở nhà. Trừ một số người có căn cốt đặc cách bên cung Mẫu thì nên đọc tụng Kinh Mẫu, cúng ngày Vía Mẫu cho đúng cách, sẽ lợi lạc cho bản thân và gia đình.
- Thờ Cha Thượng Hoàng hoặc Phật Ông thì phải là người có Ấn hành đạo mới thờ được.
- Thờ “Mẹ sanh mẹ độ” ở bên trái hoặc phải của bàn thờ.
- Nếu thờ chung hai ảnh (hoặc tượng) của Cửu Thiên Huyền Nữ hoặc Mẫu Diêu Trì (đạo Mẫu) với Quán Âm Bồ Tát (đạo Phật) - ta cũng đặt hai tượng song song với nhau, phía chánh diện bàn thờ hoặc trang thờ.
- Ngai Trời và ngai Phật ngồi riêng, không ngồi chung - Khi thượng trang thì ta đặt trang Phật thấp hơn trang của Thiên Trào một bậc.
3. Thờ Cửu Huyền, ông bà tộc tổ
*Cửu Huyền Thất Tổ:
- Ngày mồng 3, 7, 13, 17 âm lịch hàng tháng là ngày Vía Cửu Huyền. Chúng ta chọn ra 1 ngày - coi đó là ngày Vía Cửu Huyền của gia đình. Mỗi tháng cúng 1 mâm cho ông bà tộc tổ, vào giờ Ngọ - ông bà sẽ rất vui lòng, đẹp dạ mà trợ cho con cháu. Đây cũng là ngày hợp cách để thượng trang.
- Thờ Cửu Huyền thất cách sẽ ảnh hưởng đến vận số cả họ. Ngày thượng trang xem như là ngày vía Cửu Huyền của gia đình. Mỗi tháng ta nên cúng một lần - Nếu buổi trưa không cúng được thì đợi đến 7 giờ tối cúng cũng được (giờ âm)!
- Thờ Cửu huyền, Kiến họ chung là phải có một nhà thờ riêng mới hợp cách. Chi, nhánh nhỏ mới được thờ tại nhà. Bàn thờ tùy kiến họ lớn nhỏ mà giao động.
- Nếu có điều kiện cũng nên làm một đôi Liễn dán vào tường, ở dọc theo hai bên ngai Cửu huyền, để “khuôn” lại cái vận khí chung của Cửu tộc.
- Lư hương đại chỉ được dùng ở nhà thờ chính của Kiến họ. Ở nhà riêng, ta chỉ được dùng lư hương loại trung.
- Thờ hợp cách, ông bà “an ngôi an lộc” phù hộ con cháu. Thờ sai, ông bà không an ngôi an lộc được sẽ bị phạt rất thảm. Thờ Cửu huyền khó hơn thờ Phật rất nhiều - bởi Cửu huyền là “chính chủ” của trần xác!
- Người mới mất phải làm bàn thờ thờ riêng, hương khói riêng - cho đến ngày giỗ đầu mới được đưa lên trên bàn thờ ông bà tộc tổ - Đó là luật!
*Thờ Cha Mẹ thì không cần bài vị Cửu Huyền, còn thờ từ đời Ông, Bà trở lên thì bắt buộc phải có bài vị Cửu Huyền Thất Tổ thì mới hợp cách. Bài vị Cửu Huyền có thể là một miếng gỗ đen hình Linh vị đặt trên một cái đế trang nghiêm.
- Không có bài vị Cửu Huyền là thất cách, con cháu cũng như gia chủ trong nhà sẽ bị hành liên miên - đau ốm, nạn tai và trục trặc, xào xáo bất an…
- Nhà có Tổ nghiệp, binh tướng thì phải có thêm 1 mâm chiêu đãi binh tướng + 10 bịch gạo + 10 xấp tiền + 10 bộ quần áo cô hồn.
- Bài vị Cửu Huyền có thể quy tụ được 4 họ, gọi là “Tứ Thân Phụ Mẫu” - nội ngoại hai bên của chồng và vợ.
- Linh ảnh Ông bà nên để cao hơn linh ảnh của Cha mẹ ít nhất 10 cm, hình ông bà để chính giữa, cha mẹ và con cháu chầu 2 bên.
- Hình ảnh không nên quá lớn, càng lớn thì âm khí càng mạnh, âm khí quá mạnh thì không tốt - vì chèn ép thanh khí trong nhà.
4. Thờ Quan Công Thần Tướng
Ngày 13 âm lịch hàng tháng là ngày Vía của các bậc Linh thần - vào giờ Ngọ. Chỉ người nam mới được thờ Ngài. Người nam phải ăn mặc lịch sự, quần áo trang trọng, đường hoàng mới được thắp nhang. Ngài rất nghiêm khắc - Thờ cúng không đúng cách sẽ bị phạt. Thờ đúng cách, trang trọng, sạch sẽ sẽ được Ngài hộ trì, gia hộ. Đặc biệt là giải nạn tai, tật ách, hoạn nạn…vv ...
- Ngài Quan Công thần tướng, còn gọi là Quan Thánh Đế Quân. Ngài thuộc dòng Tướng môn, chuyên động binh, hành xử - ăn mặn, không ăn chay. Ngài thuộc dòng động khí, không được thờ chung với Phật (nhà Phật vốn tịnh khí) - khi thờ chung sẽ bị loạn khí, loạn Điển và tác hại trong nhà không ít.
- Nên thờ Ngài ở một góc phòng thờ, ở một trang thờ riêng. Trang thờ phải nhỏ (lớn không hợp cách).
- Tại gia chỉ nên thờ tượng nhỏ, trang nhỏ... Nếu không thì “sai cách” - Trang thờ của Ngài phải đặt ở một góc tường (bên phải thì hợp cách hơn) - và thấp hơn trang thờ Phật 20 cm.
5. Thần Tài - thần Địa
- Thần Tài, Thần Địa là tiểu Thần, trấn nhậm ở trong nhà - còn Thổ Địa thì trấn giữ cuộc đất. Đa số tín ngưỡng dân gian hay thờ thần Tài, thần Địa - mà ít khi thờ Thổ địa.
- Vía thần Tài mùng 10 hàng tháng. Lễ cúng : Một đĩa tam sên, 02 chung trà, 02 chung rượu - Một đĩa trái cây và chút ít tiền (loại tiền vàng để cúng các chư Thiên. Đĩa tam sên gồm có ba thứ : thịt, trứng, tôm (hoặc cua) luộc chín.
- Nhiều gia đình vì bàn thờ nhỏ mà bày đồ cúng ra nền nhà nơi đi qua lại dơ bẩn ô uế, thiếu thanh sạch… Việc này là thất cách, không nên!
- Phương hướng: Bàn thờ đặt trong phòng khách hoặc phòng thờ, đối diện cửa cái, tránh không nên để ở (hoặc bên) gầm cầu thang lên lầu hay gác, nơi có dấu chân người lui tới làm ô uế cái khí linh - tài lộc không tụ về được. Nên để ở góc bên phải hay trái - không để chính giữa nhà.
- Đặt trang thờ trong phòng khách, chính diện cửa cái, hoặc để trong phòng thờ - không được để ở phòng nào khác. Nếu ở chỗ làm ăn - ta đặt nơi trang trọng đối diện cửa cái, nên nhớ xung quanh không được để hàng hóa, các đồ dùng, dụng cụ linh tinh - sẽ làm bế khí.
- Thần Tài thần Địa ở trong nhà chỉ là tiểu thần, trang thờ nên nhỏ, để dưới thấp - tránh chèn các vật phẩm lên trên.
- Để thần Tài, thần Địa bên cạnh cửa là sai cách, cũng không được để ở dưới đất, nơi thường xuyên đi lại, nơi dơ bẩn - uế khí sẽ làm ta “tán tài tán lộc”.
*Thổ địa:
Không thờ trong nhà mà thờ ngoài sân, vườn, gốc cây, ngoài đường, dưới đất… Trang thờ quay mặt ra ngoài đường, sát cửa cái. Thổ địa không cần thờ - vì nếu ta không đủ phúc phần sẽ bị ma quỷ án vào chiếm dụng.
6. Thờ Táo quân
Thờ ở dưới bếp, nằm trên chỗ bếp nấu. Tránh không thờ gần chỗ rửa chén, tránh đối diện cửa vào nhà vệ sinh. Đặt trang thờ ở phương vị hướng ra cửa chính căn nhà.