VỊ LAI PHÁP

{{app.isOpen() && app.isMobile() ? 'close':'menu'}}
search
share

{{group.groupName}}

  • {{item.name}}
{{bookPage.isOpen() && bookPage.isMobile() ? 'close':'format_list_bulleted'}}
Kinh sách - Huyền Môn Lược Ký (Quyển 1)
print share close
  • {{item.pageName}}

Nghiệp thế trả vay

 

Trong 22 năm Ơn trên về với tôi, tôi nhận được 3 ân huệ lớn: thứ nhất là có được đứa con gái để an ủi cho tuổi già, thứ hai có nhà cửa yên ổn, thứ ba là việc độ vong cho ba tôi và đứa con trai lớn! Đây là phần khó khăn và nặng nề nhất đối với tôi, so với toàn bộ quyển sách, nhưng tôi không thể bỏ qua hay chạy trốn, bởi vì sự huyền nhiệm chứng minh thực tế từ đây - Thôi thì tôi giản lược những gì cần thiết, xin bạn đọc thể chấp!

* Thôi chồng, ôm con nuôi một mình từ năm đứa lớn nhất mới tròn 9 tuổi, những mong sau nầy con lớn lên làm cho mẹ được nhẹ lòng. Thế mà 20 tuổi con tôi chết!

Cháu bị bệnh ung thư đại tràng, khi hay biết đưa đi bệnh viện thì đã di căn nhiều nơi, không còn chữa trị được nữa…

Tôi nuôi cháu đúng 4 tháng. 120 ngày sau thì con mất. Cứ mỗi lần lên cơn đau, khó thở là tôi lại cấp cứu, cháu hết đau và chịu trận tiếp…

Tới lúc đường ruột hư hoại hoàn toàn, đi cầu lên tục, cháu nằm liệt một chỗ, lòng tôi đau đớn quá! Đêm nào cũng tụng kinh cầu an ngoài miếu Mẹ, cháu lê ra ngồi kế bên nghe, xong rồi nói với tôi: “Khi nào con hết bệnh mẹ cho con ra chùa ở tối con về nhà với mẹ nghe! Con sống, hết bệnh con không lấy vợ, con ở nhà với mẹ, rồi con làm miếu thờ Bà y như mẹ, con tu luôn!”

Tôi thắp hương xin: “Mẹ ơi! Con hết mức chịu đựng rồi. Mẹ đưa cháu đi đi, không con chết mất”. Điều kết cuộc không thể tránh, càng kéo dài càng đau đớn nhiều hơn… Mẹ Diêu Trì về bảo: “Ba ngày nữa ta đưa nó đi!”. Chiều ngày thứ hai lúc 2 giờ chiều, Mẹ Diêu Trì về bảo: “Con nấu nước pha ấm tắm cho cháu sạch sẽ, ta đưa cháu đi!” – “Mẹ, Mẹ nói gì?” - : “Không có gì đâu! Tắm cho nó để nó hết bệnh ta đưa nó lên chùa  quy y!”

Tôi nấu nước , dìu cháu vào tắm sạch sẽ thay đồ. Kể từ 2 giờ chiều đến 2 giờ sáng cháu không hề đi cầu lần nào! Tôi ngạc nhiên: “Chắc là Mẹ cứu, cho cháu hết bệnh thật rồi!”

Đến hai giờ sáng, cháu gọi tôi: “Mẹ ơi, ra nằm với con. Mẹ ôm con đi!”. Tôi dặn cháu: “Con nằm im không nghĩ ngợi gì và nhớ niệm “Nam mô A Di Đà Phật” nghe con!”

Cháu nói: “Con không đi cầu, không còn đau nữa từ hôm qua tới giờ, chắc là con hết bệnh rồi hả mẹ!”…

Đến 3 giờ 30, nghe tiếng cháu ú ớ, tôi chạy ra thì thay cháu đưa tay như kiếm tìm - Tôi nắm tay, cháu yên tâm lại rơi vào cơn hôn mê, tôi bật Kinh lớn, bảo linh hồn con lắng nghe, vạch mi mắt thấy đã đứng tròng, tôi biết cháu chết… tim vẫn còn đập nhẹ nhàng, đều đặn!

Mãi đến 7 giờ sáng cháu vẫn chưa đi hẳn, thỉnh thoảng lại đưa tay ra, tôi nắm tay con áp vào má mình. Chỉ cần nghe tiếng Mẹ là cháu yên lòng, Mẹ cứ như là thần hộ mệnh, không có mẹ là cháu sợ, vì khi lên cơn đau chỉ Mẹ mới cầm được!

Tôi nói: “Mẹ biết thần thức con còn. Nghe mẹ niệm Phật rồi niệm theo mẹ nè!”. Cứ thế mẹ con tôi ngồi chờ đợi. Tôi nói: “Mẹ biết con nuối Ba, Ba con về Bắc giỗ Nội chưa vô kịp. Con đi đi, rồi Ba về Ba thắp hương cho con sau, con nuối Ba hoài Mẹ chết mất!”. Nói xong, tôi đứng lên bảo thằng em kế: “Nắm tay anh cho nó không sợ! Mẹ đi đánh răng!”. Tôi vừa quay lưng, cháu đã thở hắt, ra đi!

Các bạn thấy đó. Có ai bị bệnh như vậy mà ra đi nhẹ nhàng không hề đau đớn, chỉ ngủ yên lành, giờ phút cuối cùng không vật vã… Từ lúc bệnh đến khi mất, chỉ sút có 2kg. cháu chết còn 52kg…

Đã có hiểu biết, tôi làm như lời kinh Phật dạy, tôi cắn răng đến bên con: “Mẹ hôn con nè! Mẹ khong khóc. Con đi đi, theo Phật đi con!”. Hôn cháu xong, tôi lao vào buồng mới khóc cho đã đời…

Mấy ngày liền tôi ngồi miết bên áo quan con, bỏ con một mình con sợ! Khi vào nhà vệ sinh, thấy cháu đứng co ro: “Mẹ ơi, con lạnh!”. Tôi chạy ra khóc ngất, vía thấy lấy quần áo mặc vào cho con: “Mai mốt không để Mẹ thấy con trần truồng như vầy nữa nghe không!”

Điều đày đoạ tôi nhiều nhất là tôi nhìn thấy được âm vong! Chính vì vậy mãi đến giờ nầy sau 4 năm con mất, lòng tôi chưa hề nguôi thương nhớ… Ba bữa cơm cháu về ăn đủ, thậm chí thèm món gì cũng nói cho Mẹ biết để Mẹ nấu cho ăn!

* Mẹ Diêu Trì về bảo: “Nó là Thiên Tướng, trốn đi chơi xuống đầu thai làm con của con. Ở trên biết thì bắt về ngay, làm sao khác được! Giờ con thương con của mình thì ăn chay đủ 100 ngày Ta cho đưa nó về ngôi”. Tôi cầu Mẹ cứu, xin cho cháu không chịu kiếp luân hồi nữa. Mẹ hứa với tôi!

Tôi tụng kinh cầu siêu cho cháu đủ 49 ngày.

Trước, thời gian cháu bệnh, tôi nguyền rằng không cứu được con thì thề không chữa bệnh cho ai nữa! Cháu mất 49 ngày, bệnh nhân lại tìm tới… Bỏ sao đành, nghiệp cũ lại mang!

An chay mới được 3 thất (21 ngày) miệng đã lở đầy, vốn tôi ăn ít - mỗi buổi, chỉ đầy 1 bát, nấu đồ mặn cho con, mình ăn uống qua loa nuốt không trôi. Người liêu xiêu đi đứng không nổi! Mẹ Diêu Trì về bảo: “Thôi, ráng 49 ngày đi con!”… Đến ngày thứ 27, Mẹ lại về nói: “Trưa mai cúng thất thằng nhỏ. Con mua chè xôi cúng tất cả bàn thờ trong nhà, mua cho nó 1 con ngựa và 1 bộ áo mão màu vàng nghệ, ta cho trả nó về căn”…

Trưa hôm sau, Thầy tụng kinh cầu siêu, cả nhà tề tựu trong phòng khách (tôi đốt áo mão và ngựa cho cháu từ sớm!). vía thấy cháu về, mặc bộ đồ quan tướng đẹp lộng lẫy! Cháu bước vô lạy bàn thờ Phật 3 cái, quay lạy Mẹ 3 lạy trả ơn Mẹ đưa về Ngôi. Xong ôm vai Bà Ngoại: “Con thương ngoại lắm!”. Chiếc mão vướng trên đầu, cháu hất cái mão ra sau lưng, siết hai vai ngoại 1 cái rồi đi! Chiều tối vô chùa tụng lễ cầu siêu, lại thấy cháu mặc đồ lễ lách qua hàng người, quỳ lại Tam Bảo 3 lạy!

* Khi con mất, tôi mới tin điều ông bà xưa truyền lại mỗi người có 3 hồn 7 vía!

Tự dưng tôi mất một, giờ lại có 3 đứa giống y như nhau, giống nhau về nhân diện nhưng tính cách lại khác : thằng ở nhà ăn cơm ngày 3 cữ đúng là nó, chẳng sai vào đâu! Tối ngày lịch sự lắm thì mặc quần tây, ở trần tính hay giỡn thích chọc mẹ và có tật xấu là thích ăn vụng trên bếp … tôi đang nấu đồ ăn, vừa nếm thử sau lưng đã nghe tiếng : “hén hén ăn vụng hén – hổng cho con ăn kìa!”… “Tí thích chọc mẹ vậy đó cho mẹ vui, để mẹ cứ khóc hoài!” … đạp xe trên đường thấy ai đó có đầu tóc giống con cũng khóc, thấy xe 67 , thấy lính dân quân, thấy bạn con ngày trước - thấy chút xíu gì tương tự như con cũng khóc!

Có lúc thấy con đứng lên đàng sau yên xe ôm vai: “Tí đây nè, mẹ đừng khóc người ta cười đó!” ra chợ ngồi ăn sáng quên mời con, lại khóc ! Tôi nói: “mẹ mất hồn, mẹ quên con cũng phải ăn cùng mẹ để đói nghe con !...”  Có lần đi hội Thơ về, buồn quá tôi đi bộ lang thang trên hè phố giữa trời trưa nắng cháy - thằng nhỏ hiện ra siết  hai vai tôi: “đi xe buýt về mẹ, nắng lắm!”. Vừa nói xong xe trờ tới, tôi leo lên, khi tìm được chổ ngồi lại thấy cháu bước tới: “Tí đi chơi nghe mẹ!”. Nói rồi đi mất!

* Thằng ở chùa thì nghiêm trang, đạo đức – chuyên mặc áo sơ mi màu xanh biển, tay dài – nói năng nghiêm túc! Còn thằng thiên tướng thì mặc sơ mi trắng hoặc đồ tướng, đối với tôi chỉ vừa đủ lễ, cứng ngắt và hơi khô khan, không bộc lộ cảm xúc…

Chết cũng như khi còn sống, thằng bé có tật hay chọc ghẹo mọi người bằng cách nói dối. Trong các em tôi, có Út Thảo là thương cháu, lúc nào nhớ lại cầu cơ gọi về…

* Có lần Tí về than: “Con đói lắm út kiếm gì cho con ăn đi!” – hỏi thì cháu nói có ông nào lạ, ông không cho con về nhà, mẹ cúng con không về được. Út vừa khóc vừa đi mua bánh cho cháu ăn ! Bé Ti về nói với tôi: “Mẹ điều tra lại xem sao, phần âm nào cũng cho ăn được, con mình để đói sao” – tôi nghi ngờ - về tận nhà dưới, gọi Thiên Tướng về tra hỏi! Tí - Thiên Tướng (chúng tôi gọi thế để phân biệt với thằng ở nhà) về, nghe tôi vừa khóc vừa quát lính quýnh quỳ xuống đất giữa nhà: “Mẹ lo cho con  về ngôi đàng hoàng, giờ con bỏ không để tâm tới linh hồn mình là sao?” Thiên Tướng bảo: “Nó không đói. Con bảo đảm với mẹ là con không để cho linh hồn khổ, con cũng là nó cơ mà!”. Tôi lại mắng: “Mẹ đủ bổn phận với con rồi, giờ con đi đi - Mẹ con mình không còn dính líu nhau nữa. Để mẹ lo cho linh hồn của con, con đi cho khuất mắt mẹ !”…Lúc đó,  hai thằng đều là thằng Tí con tôi cả !

Tôi lại gọi đứa ở trong chùa về, cháu bước vào ngơ ngác: “con không đói, con ở chùa ăn cơm chùa lâu lâu mới về thăm mẹ…” thấy chau mang đôi dép loại tổ ong đã cũ và rách cả rồi! Tôi hỏi thì cháu nói: “dép con đứt con lượm đôi này dưới cột đèn mang đở, còn mang được, không sao đâu mẹ”.

Đau lòng tôi quá, tôi cho âm vong, bố thí cho tất cả các phần từ người tới  ma vậy mà để con mình ra nông nỗi này sao?: “Thôi được để rồi mẹ lo! Nếu mẹ đốt tiền vàng, quần áo cho con, con nhận có được không?”. Cháu nói nhận được, chỉ xin tôi cho một cái áo sơ mi trắng để lạy Phật !

Tôi bảo đứa ở chùa trở về chùa, Thiên Tướng cũng không nhìn! Thằng nhỏ đứng bên tôi từ nãy giờ nói nhỏ vào tai: “Thiên tướng nó còn đứng ngoài sân kìa mẹ, con sợ nó lắm!” Nó nhảy tót lên giường ngồi kế bên tôi bảo: “con nói nhỏ vô tai mẹ, cho mình mẹ nghe thôi nha!” rồi nó nhẩn nha kể: “Lúc con mới chết, bị hai người kè vai dẫn con tới  một căn phòng rộng mênh mông, trong đó có rất nhiều người vừa mới chết như con, ai cũng đau đớn  nằm lê la dưới đất chờ gọi tới ten mình đưa ra xử. Tới lúc Ông Quan hành xử kêu: “Nguyễn Hoàng Nam!” bỗng nhiên có ai đó bước tới nói nhỏ vào tai, Ông Quan khoát tay cho người đưa con ra ngoài…

Con không phải bị giam dưới địa ngục, ở trong trại tập trung 3 ngày đem đi chịu đòn 1 lần, sau tới bảy ngày… con chỉ có chịu đòn ba tháng rưỡi thôi!”

Cháu còn kể cho tôi nghe: sinh hoạt ở cõi dưới cũng y như trên nầy, tội nhẹ là được ở ngoài trại ăn uống, ngủ nghĩ, làm việc và vui chơi y như là còn sống … tới ngày kêu tên đưa đi chịu đòn, trả tội xong về lại sống như thường!

Cháu nói : “Con giả bộ nói con đói để Út mua bánh cho con ăn đó mà”. Tôi hỏi thì cháu kể danh dách hôm qua mẹ cho ăn món gì…

* Nghe con nói là sử dụng được những đồ hàng mã như nhà, xe, tiền vàng… tôi mới tin! Tôi mua nhà, xe máy, quần áo giầy dép và tiền bạc đốt cho con. Mua cả cho ba tôi một căn nhà, về sau cháu về bảo: Ông ngoại còn ở trong địa ngục, chưa ra được nên nhà ông con giữ, giờ con có hai nhà.

Tôi hỏi xe máy đâu đi về cho mẹ coi. Út nói con nói với Út là xe bị cướp rồi phải không?. Cháu kể tôi nghe: “Tối đó con đi xe qua bụi cây kia có ba thằng xông ra để cướp xe. Con đánh nó bò luôn, xong nó quỳ lạy xin tha! Nó biểu là tại Mẹ nó ở trên này đang bệnh nặng không có tiền chữa, nó muốn lấy xe bán gởi tiền về cho Mẹ… Con tội nghiệp quá nên cho nó cái xe đem bán, rồi con cho ba đứa về ở chung nhà với con luôn!”. Cháu hạ giọng: “Mẹ đừng có la con nghe, mấy thằng đó hiền lắm, cho nó ở chung với con nghe Mẹ! Còn nhà của ông ngoại con cho ba Mẹ con của bà bán vé số ở nhờ, mai mốt Ông ngoại lên con lấy lại trả cho ông !”.

* Tôi nghĩ ra cách để trợ cho con: mỗi tháng tôi chiêu đãi âm vong (hay còn gọi là cúng cô hồn) một lần! Khi cúng tôi gọi con về cho nó làm chính chủ phân phối lộc thực. Vì có lần vị Chúa Quỷ được tôi mời về đã nói: “Con của Cô Hai là trùm ở cái xứ nầy!”: “Gì, nó quậy hả?,” Chúa Quỷ nói: “không, trùm phân phối lộc thực!”. Tôi hỏi cháu thì cháu nói người đói nhiều quá thấy tội nghiệp, nên ngày nào Mẹ kêu về ăn cơm cháu cũng đem ra cho người khác ăn cùng…

Con tôi linh thiêng lắm! Tôi kể cho bạn đọc nghe. Cũng là để biết thêm về thế giới vô hình một chút:

* Lúc mới chết chưa tới 49 ngày, có lần nửa đêm tôi đang ngủ nghe tiếng con gọi ngoài cửa sổ sát bên giường nằm: “Mẹ ơi mẹ, mở cửa cho con!”. Tôi lên tiếng: “Thằng Ti hả?” – “Dạ, mở cửa đi mẹ!”… Tôi thức dậy ra cửa và mắng: “Đi chơi tới nửa đêm mới về kêu cửa là sao?” – Mở cửa ra, một trời trăng sáng dằng dặc không người…

* Khi cháu mất được 01 tuần lễ, tối về chui vô mùng: “Cho con ôm mẹ con ngủ với mẹ nghe!” – Ba đêm liền cháu đều về ôm mẹ ngủ, sáng sớm hôm sau cả người tôi đau như muốn gãy ra từng khúc. Thấy tôi đau quá, hôm sau cháu chỉ chui vô mùng hôn mẹ 1 cái rồi chui ra đi mất!

* Thương cháu, út Thảo xin điện thoại di động của Tí đem về sử dụng. Thời gian đầu cứ than: “Có ai đó cứ phá điện thoại hoài! Đang ngủ nửa đêm chuông kêu, choàng dậy cầm điện thoại lên thì chuông ngưng, không có số ai gọi hết!...” Tôi cũng chẳng nghĩ gì, mãi về sau thêm vài lần có sự lạ, tôi mới biết là âm vong làm được nhiều điều mà chỉ khi thật mắt chứng kiến ta mới tin!

* Hai anh em Ti và bé Chi đi chơi Đầm Sen với út Thảo, đến 7 giờ tối vẫn chưa về, tôi nôn nao trong dạ, nhủ thầm: “Để nấu xong nồi canh điện cho út hỏi sao coi!”. Vừa lúc đó chuông điện thoại di động reo, tôi lên thấy út Thảo gọi… Đầu dây bên kia, út cũng: “Alô! Chị Hai điện cho em hả?” – “Mày gọi chị thì có. Đang nấu nồi canh nghe chuông reo mà!”. Út cãi lại: “Em đang ngồi chơi, nghe chuông reo, mở ra thấy số của chị gọi, em mới lên tiếng đó chứ!” - thì ra thấy tôi lo, Tí “kích” cho điện di động của hai chị em liên hệ với nhau…

* Một lần, nghe tiếng chuông reo, tôi cầm máy thấy số của Ti đang gọi mẹ! Tôi lên tiếng: “Alô! Con gọi mẹ chi vậy?”. Đầu dây bên kia: “Mẹ kêu con có chuyện gì vậy?”… Tôi gắt: “Con điện cho mẹ, mẹ mới bắt máy mà!”. Thằng nho hạ giọng: “Thôi rồi! Anh Hai điện méc mẹ con uống rượu chứ gì! Tại hôm nay sinh nhật bạn, mẹ đừng la con nghe!”…

* Điện thoại bàn của nhà tôi, hễ người nào tôi không thích, là cháu chặn không cho chuông reng. Họ tới nhà bảo: “Sáng hôm qua gọi 3 lần không có ai bắt máy!”. Lúc đó tôi ở quanh quẩn trong nhà, có nghe tiếng chuông reng hồi nào đâu!...

Khi nào điện cho ai bấm số 2, 3 lần đều trật hoặc nhảy thiếu số, tôi biết ngay người đó không có ở nhà!

* Có lần phải tiếp điện thoại của 1 người, nghe họ nói chuyện “bất lịch sự”. Tôi giận quá nói: “Có khi nào đang nói mà máy mất tín hiệu không vậy?”. Vừa nói xong thì mất tín hiệu thực… Tôi tức quá, điện lại để mắng họ, hỏi: “Sao tự dưng cúp điện thoại vậy!” – “Anh đâu biết, tự nhiên em nói xong thì nó cúp, anh nghĩ em giận anh ngắt điện đấy thôi!”…

* Tôi đi đâu, cháu theo sau lưng… Rất nhiều lần tôi mất mát, cháu giữ lại cho tôi! Có hôm sáng 7 giờ tôi đến tiệm in vi tính để lấy tài liệu đặt in, kiểm tra lại các thứ mất 10 phút, trở ra móc túi thấy tiền không còn. Nhìn dáo dác, tờ 100 ngàn rơi ngay dưới đất chỗ chiếc xe đạp đang dựng đó! Lạ một điều nó nằm “trơ trơ” chỗ bàn đạp, không có cục đá hay bánh xe chèn lại. Nếu có gì che chắn, ta bảo gió thổi tờ tiền mắc vào, đàng này… 100 ngàn, tờ giấy polime mỏng dính, đang buổi sáng sớm người qua lại thật đông, suốt 10 phút mà không ai nhìn thấy thì thực lạ lùng!

Lần nữa tôi vào nhà đứa cháu gái chơi suốt 1 giờ rưỡi, buổi chiều gió thổi lồng lộng, lá cây trứng cá ngoài sân bay cả vào nhà… Vậy mà bước ra về mới phát hiện tờ 50 ngàn rơi dưới đất, cũng nằm ngay chỗ bàn đạp giống y đợt trước, và nó nằm đấy suốt tiếng rưỡi đồng hồ!!

* Có lần tôi đi công việc buổi tối, đang mặc áo hở cổ, lo mất dây chuyền, tôi mở ra, cẩn thận moc khoen khóa lại rồi bỏ vào túi quần. Túi vải lại nằm rất sâu, rơi vào đâu được!

Đêm về thay đồ ra đi ngủ rồi quên mất! Sáng hôm sau bảo bé Chi đạp xe đi mua gạo. Tôi ở nhà phát hiện mất dây chuyền, tìm nháo nhác… Chi đi mua gạo rồi lại mua đồ ăn sáng, về tới cửa nhà thắng xe lại mới nghe sột soạt ở bánh trước, moi ra là sợi dây chuyền của mẹ! Lạ một điều nó chỉ vướng vào căm, 1 cách nhẹ nhàng lấy ra được ngay, thế mà không rơi mất, lại chẳng bị đứt, bị hư!... Tôi cười bảo: “Chắc là Ông giữ”. Nghe sau lưng Tí lên tiếng: “Tí giữ cho mẹ đó đa!”…

* Đã 2 lần, cháu mang hình dạng con vật về thăm mẹ. Xưa hay nghe ông bà truyền miệng: “Bướm bà vô nhà là ông bà về thăm con cháu!”. Tôi có tin bao giờ đâu…

Đêm ấy, hai mẹ con đang ngồi xem ti vi, thấy con bướm đen nho nhỏ cứ bay lượn qua trước mắt xong đậu lên tấm ảnh PB treo trên vách, rồi lượn trở lại ngay trước mặt tôi… Thấy điều lạ, tôi bước tới đặt bàn tay lên tấm ảnh PB, khấn: “Nếu phải là con về với mẹ thì bay lên đậu trên tay cho mẹ tin!”. Con bướm lần mò leo lên mu bàn tay tôi, tôi nhẹ nhàng mang bướm trở lại ghế ngồi và theo dõi… Nó chẳng hề sợ sệt gì, chớp hai cánh múa nhẹ nhàng, nhún nhún đôi râu và chân, thỉnh thoảng bay lượn 1 vòng, lại trở về đậu đúng vào bàn tay tôi đang để mở ra chờ đón, lại múa nhịp nhàng… Suốt hơn 1 tiếng đồng hồ! Khi ngủ, tôi không biết làm sao, để ngoài sợ thằn lằn ăn mất, đem vào mùng một chốc lại lo phấn của nó làm dị ứng. Đành đem ra thả cho nó đậu lên bụi kiểng trước nhà…

* Lần sau, lại có 1 chú dế nhỏ nhảy loi choi trước mặt, tôi đuổi mãi không chịu ra ngoài. Tôi cũng khấn y như lần trước, dế nhảy ngay lên ngực áo tôi rồi bò lên tay – mấy cái chân nhỏ nhún nhún, thỉnh thoảng lại cắn nhè nhẹ, tôi la lên: “Đau, đừng cắn như vậy đau lắm!”. Chơi với dế con, tới giờ ngủ tôi mang ra để lên cây nguyệt quế trước nhà, 3 lần chú dế nhảy ngay trở lại vào người tôi! Tôi khóc và khấn: “Thả cho con dế đi thôi con, kẻo nó vào nhà thằn lằn ăn nó, mẹ thương con mà!”. Thế là con dế chui vào đám lá lẫn mất…

Thôi! Chấm dứt chuyện kể về con trai tôi, vẫn còn nhiều trường hợp lạ lùng về cháu, lúc khác tôi kể tiếp bạn nghe! Giờ chúng ta chuyển sang đề mục khác! Tôi tặng bạn đọc 2 bài thơ tôi làm cho cháu, kỷ niệm một phần hồn đã mất của tôi!

 

MẤT!!!

 

Những cành cây cằn cỗi ngoài kia

Còn chờ ra hoa, đợi ngày kết nụ

Trả ơn đời tháng ngày lưu trú

Con thì không!...

Những chú dế sinh tự lòng đất hoang

An lá cỏ, uống sương trời để sống

Còn đợi ngày có đôi có bạn

Con thì không!...

Những cánh chim đậu trên cành xoan

Ngẩng nhìn trời xanh khao khát

Đợi tung bay về phương trời mơ ước

Con thì không!...

Những thanh niên đồng trang lứa với con

Đang chuẩn bị cho ngày mai – đang yêu và đang sống

Đang mỉm cười tự tin và hy vọng

Con thì không!...

Chẳng đợi ngày đơm hoa kết trái

Chẳng chờ khi có bạn có đôi

Chẳng ước mơ khao khát một ngày

Thời gian điểm, hư vô là tuổi sống!

Ngày sinh con ra…

Trong nỗi đau của người đàn bà – lần đầu tiên vượt cạn

Mẹ mỉm cười – ơn Thượng Đế bao dung

Mơ một ngày mai con mẹ lớn lên

Đẹp đẽ, thông minh và nhân hậu

Ngày sinh con ra…

 

Mẹ nguyện cùng trời đất

Đánh đổi bất hạnh của đời mình – thành hạnh phúc cho con!

Không kịp nữa rồi, Thượng Đế đã quay lưng

Lời khấn nguyện rơi vào biển lửa

Cơn lốc cuộc đời kéo con xa rời vòng tay của mẹ

Và Tử thần đếm mỗi bước con đi!...

Mẹ gục đầu đau đớn trước ngày mai

Cho dù đổi cả trái tim và tấm lòng người mẹ

Cả hạnh phúc một đời không có nữa

Mẹ rồi cũng mất con!!!

 

Tịnh Vân

 

 

 

HOA MƯỚP VÀNG

 

Hoa mướp vàng không đậu rào cao

Mẹ đưa con về lại chiêm bao

Yêu con bằng hết tình của mẹ

Bằng cả một đời bước thấp cao!

 

Ngủ đi con – ngủ thôi con yêu!

Mẹ ru con, đêm dài cô liêu

Mình mẹ với con trong giấc trắng

Nghiêng vành nôi, trăng rụng giọt sầu

 

 

Quên ngày đôi mươi, quên ước mơ

Quên tình yêu – niềm tin và hận

Quên cay đắng, muộn phiền, tật bệnh

Con lại về trong lòng mẹ bao dung!

 

Hoa vội tàn, trăng vội khuyết ngoài song

Ngày tháng lạnh lùng qua – cứ thế!

Dẫu sương tuyết phủ giăng đời mẹ

Vẫn vẹn nguyên tình mẹ yêu con

 

Hoa mướp vàng lạc lõng ngoài sân

Ong bướm lượn, thẫn thờ bóng lẻ

Con yên ngủ trong vòng tay mẹ

Mẹ ôm con – ru suốt một đời!!!

 

Tịnh Vân

 

* Từ năm 2000 trở đi, khi chuyển về ở chỗ mới, tôi có nhiều thời gian và điều kiện rỗi, Ơn trên cho làm việc nhiều hơn! Lúc nào bị đòn nặng, tự nhiên ít có bệnh nhân. Vừa khỏe chút xíu, bệnh nhân đã kéo tới đầy… Tới “lai rai” cả ngày, tập trung vào buổi tối! Kể từ khi mẹ Diêu Trì về trợ xác, Người tới tôi toàn bị bệnh giả (có nghĩa là bệnh do âm vong phá hoặc căn Trên, căn Cửu Huyền hành).

Đến nỗi tôi nghi ngờ thần thức của mình, chắc là bệnh tưởng – sao nhìn vào đâu cũng thấy ma quỷ thế nầy?! Tôi hỏi mẹ, mẹ Diêu Trì nói: “Phần hành nào đưa về cửa nấy. Tất cả đều có sự sắp xếp cả rồi!”. Vậy, tôi là người chuyên “bắt ma” sao?

Ngày xưa, nghe nói tới thầy bùa thầy pháp, là sợ mất hồn… Cứ tưởng tượng đến bà phù thủy Babazaga cỡi cây chổi bay vèo vèo khắp hành tinh, ai nhìn thấy cũng phát run! Lắm lúc, tôi nhìn lại chính mình: Ta trở thành phù thủy từ lúc nào vậy? – Tất cả những việc thầy bùa, thầy pháp làm tôi đều làm được, không cần phải yểm bùa, khoác áo thụng làm phép, không đội vải đỏ múa may quay cuồng trước bàn thờ, cũng chẳng ợ ngáp uốn éo thỉnh vong về. Và không phải đổi giọng theo kiểu âm hồn lớn bé, già trẻ, gái trai!...

Tôi có thể mời Sơn Thần Thổ Địa, Thần Sông, Thần Biển, Chúa Quỷ… Mời ai, người ấy tới cho tôi gặp! Có điều tôi cung kính, nhẹ nhàng, khéo léo và tế nhị dẫn dắt, điều tra sự việc cho đến cùng. Khi giải quyết xong chuyện mới chịu thôi… Người Âm tới người Dương, kẻ dưới trên các cõi đa số đều tâm phục, khẩu phục! Bởi tôi lấy cái Tâm, cái Đức mà hành xử, không dùng quyền phép áp đặt, gò bó người nào…

Có điều đừng ai nộ nạt, đánh lén tôi! Lúc đó tôi dùng phép trói nghiến nhốt vào ngục tối và chưa có phần nào tôi chịu thua! Khi tôi “nổi cơn giận” là tôi thủ thắng… Bình thường chỉ cần 1 âm vong ngoan ngoãn, buồn sợ là tôi cứu, tôi cho tiền bạc, ăn uống – phần nào hiếp đáp kẻ yếu tôi chẳng tha! Kể từ hai năm trở lại đây, ai bị bùa chú các loại tôi giải rất nhanh. Có điều tôi sợ! Giải bùa “bị đòn” dữ lắm… Tôi xóa lệnh phù, xong cung cấp tiền bạc lộc thực cho Binh gia trở về Thầy Tổ! Đa số nghe lời tôi khuyên thường “cải tà quy chánh”, được tôi đưa vào chùa hoặc trả về quê hương xứ sở…

Tôi kể tiếp bạn nghe chuyện “thực hành cụ thể”. Nghe điều có thể “thực mục sở thị” vẫn hơn lý luận dông dài, bạn nhỉ!

Trước
27. Liêu trai (6)
Kế tiếp
29. Thực hành cụ thể (6)