VỊ LAI PHÁP

{{app.isOpen() && app.isMobile() ? 'close':'menu'}}
search
share

{{group.groupName}}

  • {{item.name}}
{{bookPage.isOpen() && bookPage.isMobile() ? 'close':'format_list_bulleted'}}
Kinh sách - Huyền Môn Lược Ký (Quyển 1)
print share close
  • {{item.pageName}}

Liêu trai (6)

 

Tôi kể tiếp cho các bạn nghe về Duyên phúc cho tôi được diện kiến những phần Linh căn khác.

* Năm 1999 – có lần Điển ông đi mất hơn nữa tháng không về. Đêm ngủ có Huyền Nữ về canh nhà, còn ban ngày thì lạnh ngắt!... Tôi đã quen với việc lầm bầm, lẩm bẩm với ông – nay nói ra một câu không nghe tiếng ai trả lời, tôi phát điên lên được!

Một buổi chiều nọ vào khoảng 3, 4 giờ tôi đang ngồi trong sạp báo sực thấy 1 người ăn mặc Au phục, mang giầy Tây bước vào – tưởng là Điển ông, vía tôi thấy mình xốc tới nắm hai tay vừa rung, lắc lại vừa khóc kể  lu loa… Tôi trách ông bỏ tôi đi mất, để tôi một mình chịu đau đớn, tật bệnh triền miên như vậy!

Người đàn ông đứng chết lặng, hai tay buông thỏng, ngượng ngập! Tôi giật mình bước ra xa, lí nhí xin lỗi… Điển xưng mình là Đế Thích, một trong những phần Linh căn tiền kiếp của Ngài Thích Ca, nay về thăm cho tôi được biết mặt!

Ngài Đế Thích cao ráo, rắn rỏi, da ngâm đen, bàn tay với những ngón thanh mảnh thật dài và đẹp! Ông viết chữ đều tăm tắp, không phóng bút – một nét chữ đẹp kiểu mẫu…

Tôi quên chưa kể cho các bạn nghe một điều kỳ diệu nữa: nguyên tôi có tật bong gân mãn tính ở ngón tay cái, cầm bút viết chút xíu là bắt đầu đau và chữ viết ra nét “bổ nghiêng, bổ ngửa”. Những lúc ấy tôi cầu cứu Điển ông – Người cầm tay tôi viết chẳng nói gì!

Ngắm nghía nét chữ một chốc, tôi biết ngay ai vừa cầm tay tôi viết: Nét tròn trịa, chân phương là của PB; nét cứng cỏi mà đẹp, đều tăm tắp là của Ngài Đế Thích, nét đẹp phăng và tài hoa là của “Điển ông” – còn nét nhỏ xíu mà thanh tao là của Mẹ Diệu Thiện! Thần Lam Sơn là người có nét chữ phóng bút, lớn và táo bạo nhất – đến nỗi tôi đâm quen, về sau viết chữ lớn và rộng rãi như chữ đàn ông!

Thỉnh thoảng những phần Linh căn khác của ông lại về thăm tôi, ở lại trong 1 thời gian ngắn (khi ông bận vào các ngày lễ lớn như những ngày rằm, ngày vía…). Họ lui tới và trở lại trong nhà tôi y như một người bạn, người anh bà con: tế nhị và khách sáo!...

Tôi quen giọng nói của từng người một: giọng lớn tiếng sang sảng như chuông đồng là của Ngài Di Đà. Giọng “hơi liệt liệt” là của Thần Lam Sơn! Giọng truyền cảm là của “Điển ông” – Giọng ngài Đế Thích thì dịu và nhẹ… Giọng nói của Ngài Di Lặc thì phóng khoáng, hồ hởi – Và giọng của Thần Nam Tàu thì cứng ngắt, khô khan… Riêng tiếng của Ngọc Đế cũng to và vang như tiếng Ngài Di Đà, nhưng hơi “trào phúng, dí dỏm” một chút… Giọng nói của Độc Giác Phật hơi khàn nhưng cứng cỏi, giọng của Người khô khan và khó gần!...

* Phật Ngài Di Đà tướng người to lớn, mũi cao, miệng rộng, môi dầy, vầng trán cao vợi. Ở Ngài toát ra một vẻ oai nghi, đĩnh đạc! Tôi không nhớ nhiều lắm về Người, Người về thăm tôi vài lần, nói vài câu chuyện rồi đi – mặc áo thụng màu lam! Đôi chân mày làm tôi nhớ rõ nhất: dầy và đen, nằm vắt ngang trên hai mắt tạo thêm vẻ quyền uy, trọng phục!

* Một lần – Ngài Độc Giác về với tôi khi tôi đang khóc vì “bị đòn”. Ngài hỏi tôi: “Hành hương là gì hả con?”. Tôi trả lời một cách máy móc: “Dạ là đi cầu Đạo ạ!” – Phật Ngài nói: “Con tưởng hành hương là đi trên thảm mà mang hài thêu sao! Hành hương có nghĩa là đi chân trần trên đất, qua nắng lửa mưa dầm – bão tố phong ba, qua sỏi đá chông gai, bóng đêm và vực thẳm…”

Tôi có hỏi Ngài: “Độc Giác có phải là tên riêng của Người không?” - : “Phải, ta chính là vua Độc Giác, giàu có và nhiều tiền của – Gần như trong tất cả các vị Phật, chỉ có Độc Giác là người giàu có! Độc Giác còn có nghĩa là “Tự mình Giác Ngộ” – Vì vậy có nhiều vị Phật hiệu là Độc Giác chứ không chỉ riêng Ta!

* Trong các vị Phật mà  tôi diễm phúc được gặp – duy có Ngài Tỳ Lô Giá Na là hoàn cảnh đặc biệt nhất: Vào 1 buổi chiều độ 5, 6 giờ, tôi đang ngồi viết, sảy thấy một vong ngạ quỷ từ đâu xuất hiện đứng ở cửa chính – Thấy tôi nhìn, hắn ngửa mặt lên trời cười ha hả… Thấy thái độ ngạo mạn thách thức ấy, tôi nổi điên tống cho một đấm! Nếu là phần âm vong, bị đánh là văng ra xa ngay tức thì! Đàng nầy con quỷ bay lên cao, đáp xuống lại cười như cũ… Cả 3 lần tôi đánh hắn đều tỉnh như không! Nghi ngờ tôi chạy ra dùng phép trói nghiến lại, đem vào trong Miếu Mẹ… Con quỷ vẫn ngoan ngoãn đi theo! Tôi bắt khai tính danh, hắn nói độc 4 chữ: “Tỳ Lô Giá Na!”. tôi hỏi: “Tỳ Lô là ai?”. Trả lời: “Cung chủ Đạo Tràng Thủy Sám Pháp”… Tỳ Lô thì tôi không nhớ, nhưng Thủy Sám Pháp thì tôi có nghe! – Tôi bảo: “Ngồi yên đó, ta vào tra lại kinh sách, nếu không có tên ông thì đừng trách ta!”

Lật Kinh, ngay bài Kệ Thủy Sám đã thấy tên Phật Tỳ Lô Giá Na! Tôi hoảng hồn trở ra cởi trói và xin lỗi, mời vào an vị trong nhà…

Phật Ngài Tỳ Lô nói: “Đạo Tràng Thủy Sám là nơi chuyển căn, chuyển nghiệp! Tới duyên Cô được cứu, Ta mới về đây, ta về trợ cho Cô làm xong giấy chủ quyền đất để tiện việc xoay chuyển mệnh trần”. Nguyên giấy tờ sở hữu đất tôi làm đã tròn 01 năm nay, chạy bay tóc trán mà vẫn chưa xong…

Sau khi Ngài Tỳ Lô về 15 hôm, tôi lấy được chủ quyền. Đem lên ngân hàng vay 100 triệu lấy tiền trả nợ, còn lại một ít để dành chi tiêu dần, chờ đến ngày bán đất… Chuyện nầy tôi sẽ kể sau!

Từ đó, xem như cuộc đời mẹ con tôi bước sang một giai đoạn mới – thiếu thốn, đói nghèo, bất hạnh đã qua…

Giờ tôi xin kể đến nhân duyên mà tôi được tiếp kiến với Đức Ngài Ngọc Đế, chuyện nầy có mối tương quan hơi dài dòng một tí. Và cho đến bây giờ tôi mới biết hai từ “Ổng Bả” mà cậu Thu đã nói năm xưa chính là nhắc đến Ngọc Đế và Diêu Trì Địa Mẫu: Cha Trời, Mẹ Đất đấy mà!

* Dạo mới chuyển nhà về ở trên nầy (năm 2000), vào độ giữa năm, một hôm tôi đang nằm ngủ trưa, mơ thấy một giấc mơ lạ: tôi thấy căn nhà tôi đang ở biến thành 1 điện thờ sang trọng, trang nghiêm và đẹp đẽ! Một bức trướng đề: “Điện thờ Lục Cung Thánh Mẫu”. Trong vía lại bảo: “Điện thờ nầy là của mình. Người ta xây nên để thờ mình đó”… Tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm cả áo vì sợ “thất lễ” với Bề trên: “Trời ơi! Tại sao mình lại dám nói là Điện Thờ chính mình cơ chứ. Tội chết!”

Qua sáng hôm sau, tôi tìm hỏi Dì Sáu (Đạo Mẫu) ở gần nhà dưới Hiệp Thành. Dì Sáu nói “Lục Cung Thánh Mẫu là công chúa Thuỷ Kiều!” Dì cũng chỉ biết có vậy thôi!... Mãi đến năm 2006, khi Đức Ngọc Đế về, Ngài mới giải thích cho tôi biết: “Nguyên Ngọc Đế có 1 Hoàng Hậu (tước hieu là Bà Thiên Hậu) và 09 Phi. Cửu phẩm là tước phẩm cao nhất thuộc về Mẹ Diêu Trì! Còn tôi ngày xưa có phần căn là Lục phẩm – tương truyền là “Lục Phẩm Nương Nương”. Tôi chợt nhớ lại chuyện năm xưa, cậu Thu nói “Chị còn một phần căn bên Địa Mẫu, phải cúng vía thường kỳ thì Mẫu mới trợ cho chị được!”

Thực hư là đâu đây, hở Trời?!...

Đức Ngọc Đế về đưa cho tôi 01 chiếc lệnh bài bằng vàng sáng choá, cỡ to hơn 2 ngón tay nhập lại chút xíu, hai bên khắc 2 con rồng, chính giữa là 1 hàng chữ gì tôi không biết (tương tự như chữ Tàu, sau nầy Mẹ nói là chữ viết bằng tiếng Thiên!)

Ngài bảo: “Lệnh bài của cô đây! Ngay đêm nay hãy thu xếp về lại Lục cung, mở kho lấy tiền để trợ cho mệnh trần”. Tôi nói: “Lục cung ở đâu, con làm sao đến được?”. Đức Ngài lại bảo: “Nửa đêm thức dậy ăn mặc gọn gàng, sẽ có người tới đưa đi!”

Tôi mừng háo hức, chẳng ngủ được chút nào tưởng chắc sẽ được một phen du ngoạn ngắm cảnh Thiên Đình, nào ngờ chỉ thấy một màn đêm - chẳng nhìn thấy được cả người dẫn đường. Chỉ mường tượng mình đang ở trong 1 tiền sảnh rộng mênh mông. Có ai đó bước đến đặt vào tay tôi 1 xâu chìa khoá, tôi cầm lấy – điềm nhiên mò mẫm lấy ra 1 chiếc, rồi bước ngay về căn phòng phía bên trái tiền sảnh tra chìa mở cửa. Mọi việc thành thạo cứ như người chủ nhà quen từng ngõ ngách trong đêm! Chỉ có thế rồi tôi giật mình tỉnh dậy… Tiếc quá, không kịp nhìn thấy kho của Thiên Đình, rồi cũng không biết có lấy được gì hay không nữa!

Tôi xin Mẹ về. Mẹ Diêu Trì giải thích cùng tôi: “Bí mật Thiên Đình đâu phải ai cũng biết được! Con chỉ là xác trần, không phải Linh căn chính chủ, lại là xác tỉnh, cho con thấy thì lộ Thiên Cơ không được phép.”

Chắc là tôi lấy được của, vì chỉ vài hôm sau tôi có tiền vay ngân hàng!...

* Tôi quên không kể cho bạn nghe về Di Lặc Tôn Phật. Ngài có nước da trắng hồng hào, người đẫy đà một tí, nhưng không hề có “bụng phệ” như hình ảnh dân gian truyền lại! Ngài vui vẻ, hồn hậu và đơn giản, dễ gần – không nghiêm trang và cách biệt như các vị khác!

Thôi, chấm dứt phần giới thiệu các linh căn. Chúng ta sẽ trở lại vào một dịp khác. Giờ mời bạn đọc sang đề mục mới vậy!

Trước
26. Thực hành cụ thể (5)
Kế tiếp
28. Nghiệp thế trả vay